Sàn giao dịch bất động sản nhadatbrvt.com.vn
Thông tin bất động sản Bà Rịa Vũng Tàu

Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

25/09/2021 ,21:01

Thủ tướng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Ảnh minh họa

Đường cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu giai đoạn 1 có điểm đầu tại Km0+00 kết nối với tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại Km53+700 giao với Quốc lộ 56 thuộc thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Dự án có tổng chiều dài gần 54km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc 100 km/h, quy mô đầu tư trong giai đoạn 1 là 4 - 6 làn xe.

Hướng đi của tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Theo thiết kế, đoạn từ điểm đầu đến nút giao Long Thành (giao với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) có quy mô 4 làn xe; đoạn từ nút giao Long Thành đến nút giao Tân Hiệp quy mô 6 làn xe; đoạn từ Tân Hiệp đến cuối dự án quy mô 4 làn xe.

Dự kiến, tổng mức đầu tư là 19.616 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 6.629 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư tư nhân huy động là 12.987 tỷ đồng.

Bộ GTVT dự kiến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) sẽ hoàn vốn trong vòng 17 năm.

Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất lộ trình thực hiện dự án như sau: giai đoạn 2021-2022 chuẩn bị dự án. Giai đoạn 2022-2023, lựa chọn nhà đầu tư. Giai đoạn 2022-2024, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Giai đoạn 2024-2026, thi công xây dựng công trình.

Nhu cầu sử dụng đất của dự án được tính toán sơ bộ khoảng 519,64 ha với 3.130 hộ dân bị ảnh hưởng, 2.589 hộ tái định cư.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nằm trong danh mục các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối trực tiếp với 4 cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành với TP Hồ Chí Minh nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung; tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác và phát triển với Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Theo Bộ GTVT, dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 51; nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.